Nội dung tóm tắt
Một cầu trục thông dụng thường bao gồm 3 loại động cơ : động cơ nâng hạ, động cơ di chuyển palang, động cơ di chuyển cầu trục. Thông thường cháy động cơ cầu trục là dạng hư hỏng nghiêm trọng phổ biến nhất là với những cầu trục cũ và không được kiểm tra bảo dưỡng trong thời gian dài. Không như các dạng hư hỏng khác, cháy động cơ khiến cầu trục phải tạm dừng hoạt động và sẽ không thể khắc phục ngay được. Mặt khác chi phí để thay thế hoặc sửa chữa rất lớn. Vì vậy bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây ra cháy động cơ cầu trục từ đó có biện pháp phòng trừ tránh sự cố này.
Nguyên nhân Số 1 gây ra cháy động cơ cầu trục là mất pha
- Các tiếp điểm của công tắc tơ khởi động thường xuyên và nhanh chóng kém đi. Lò xo kém và sự biến dạng dẻo tại điểm tiếp xúc sẽ làm cho vị trí tiếp xúc không đủ và gây mất pha.
- Cầu chì quá nhỏ quá dòng gây cháy mất pha.
- Tiếp xúc nguồn kém gây mất pha.
- Điểm tiếp xúc đầu vào động cơ kém.
- Cài đặt bộ ngắt mạch khi quá dòng, mất pha sai làm giảm hiệu quả bảo vệ động cơ.
Ngoài mất pha còn một số nguyên nhân khác gây cháy động cơ cầu trục.
- Khi nâng tải vượt quá tải trọng định mức trong thời gian dài làm cho động cơ quá tải. Người ta cho phép motor có thể hoạt động quá tải 15 – 30%. Tuy nhiên, nếu motor hoạt động quá tải kéo dài thì sẽ bị nóng nhiều và dễ bị chập cháy.
- Nhiệt độ môi trường quá cao, động cơ bị đóng bụi bẩn không giải nhiệt được cũng dẫn tới sự cố chập cháy.
- Động cơ bị thiếu dầu nhớt bôi trơn nên các linh kiện bên trong bị ma sát nhiều, tạo nên các vết xước và gây cháy mô tơ.
- Bụi bặm, hơi nước, hóa chất thẩm thấu vào chất cách điện làm phóng điện một vị trí và dẫn tới cháy động cơ điện.
- Bó phanh khi động cơ hoạt động. Cuộn hút phanh cháy hoặc khe hở phanh quá lớn dẫn đến lực từ không đủ lực hút để các đĩa phanh tách nhau ra gây bó phanh.
Biện pháp khắc phục khi động cơ cầu trục bị cháy.
Khi motor bị cháy, các đơn vị buộc phải sửa chữa hoặc thay thế động cơ mới. Chi phí mua mô tơ mới thường rất tốn kém trong khi chi phí quấn lại motor chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị của động cơ nên nhiều đơn vị đã lựa chọn giải pháp quấn lại dây cho motor. Khi quấn lại dây động cơ, người dùng cần chú ý tới những vấn đề sau:
– Giảm độ từ thẩm
Motor điện chuyển hóa điện năng thành cơ năng trên trục quay thông qua cơ chế truyền từ trường từ stato sang rotor. Mức độ năng lượng truyền sang rotor phụ thuộc nhiều vào độ từ thẩm của lõi sắt stato và rotor. Thông thường, sau mỗi lần bị cháy, độ từ thẩm của lõi sắt từ sẽ bị giảm đi một phần.
Như vậy, khi quấn lại motor bị cháy, kỹ thuật viên cần chú ý tính toán kỹ để có thể đạt được 95% công suất như motor mới, tránh nguy cơ phát nhiệt nhiều và nhanh bị cháy lại.
– Lót cách điện và tẩm sấy keo cách điện
Trước khi quấn dây, bạn nên lót cách điện vỏ và trong quá trình quấn dây cần phải đảm bảo lót cách điện giữa cáp pha. Sau khi quấn xong người dùng cần tẩm sấy keo cách điện cho từng rãnh dây để giảm nguy cơ xảy ra những sự cố như chạm vỏ, chạm pha, chạm vòng,… Vật liệu lót cách điện cần đảm bảo khả năng cách điện, bền bỉ cùng thời gian, có khả năng chống chịu tốt trước tác động của môi trường độ ẩm cao và nhiệt độ cao.
– Chất liệu và chất lượng dây quấn
Thông thường, dây quấn motor được làm bằng đồng, có tráng 1 lớp men cách điện bên ngoài. Tuy nhiên, để giảm giá thành sản xuất, nhiều đơn vị sửa chữa đã sử dụng dây nhôm làm dây quấn thay cho dây đồng. Chính điều này đã làm giảm đáng kể công suất và độ bền của motor 3 pha. Ngoài ra, dây quấn bằng đồng cũng có nhiều loại với độ tinh khiết khác nhau nên người dùng cần chú ý chọn loại dây có chất lượng tốt.
– Chú ý phương pháp quấn dây
Có nhiều cách dùng tay hoặc dùng máy để đưa dây quấn vào các rãnh của motor. Người dùng cần chọn phương pháp quấn đúng, thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận để đưa các cuộn dây vào rãnh một cách nguyên vẹn, đảm bảo động cơ 3 pha hoạt động ổn định, bền bỉ.
Bộ rơ le bảo vệ pha rất hiệu quả trong việc ngăn chặn thiếu pha gây cháy động cơ.
Nguyên lý hoạt động của rơ le bảo vệ mất pha là khi các pha đấu nối được lắp đặt chính xác, đúng thứ tự và đủ pha. Thì rơ le đầu ra sẽ đóng lại, khi gặp sự cố về lỗi mất pha thì rơ le bảo vệ sẽ tự động ngắt ra.
Rơ le bảo vệ mất pha sẽ có tác dụng ngắt nguồn tổng khi xảy ra sự cố mất pha trên bất cứ pha nào. Ngoài việc bảo vệ dòng điện khỏi lỗi mất pha, rơ le này còn có thêm chắc năng bảo vệ thứ tự pha.
Rơ le bảo vệ pha có giá thành tương đối rẻ chỉ khoảng 1 triệu vnđ nhưng có hiệu quả bảo vệ rất lớn đến hệ thống động cơ khi xảy ra sự cố. Do đó đây là thiết bị cực kỳ quan trọng và không thể thiếu trong hệ thống cầu trục của bạn.
Trên đây là thông tin chia sẻ giúp quý khách nắm được nguyên nhân gây ra cháy động cơ cầu trục và gợi ý phương án đề phòng và khắc phục hiệu quả.